VĂN HÓA-XÃ HỘI
Cách phòng tránh đuối nước cho trẻ em
31/05/2023 08:23:27

Cách phòng tránh đuối nước cho trẻ em

 

Trong thời gian vừa qua, mặc dù mới bước vào đầu mùa nắng nóng nhưng đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm trên địa bàn cả nước. Tai nạn đuối nước đã cướp đi nhiều sinh mạng, kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Điển hình là 02 vụ đuối nước xảy ra ở Lâm Đồng và Bình Thuận làm 6 trẻ bị thiệt mạng, tại tỉnh Gia Lai, trong 4 tháng đầu năm 2023 có 28 trường hợp tử vong do đuối nước.

Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao hơn gấp 10 lần ở các nước phát triển, với số lượng khoảng 2000 trường hợp/ năm.Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, hồ, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè.

Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, bản thân trẻ thiếu các kỹ năng an toàn, nhiều trẻ em không biết bơi, mới có 30% trẻ em từ 6-14 tuổi biết bơi nhưng không có kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Cùng với đó là sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Môi trường sống tại gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiểm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Kỳ nghỉ hè sắp tới, nhiều gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức cho người lớn và trẻ em đi nghỉ mát, tắm biển. Bên cạnh đó, thời tiết nóng bức, trẻ em cũng thường tự rủ nhau đi tắm ở sông, suối, ao, hồ... do đó nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước là rất cao.

Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ,... mà còn có thể xảy ra ở ngay tại nhà, nơi làm việc, nhà trường, nhà trẻ ..vv. Vì thế các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mọi người cần có hiểu biết cách phòng và kĩ năng xử trí tai nạn đuối nước là rất cần thiết.

* Vì sao đuối nước thường dẫn đến tử vong?

Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm cho các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Vì vậy khi gặp trường hợp đuối nước cần xử trí khẩn trương, kiên trì, ngay tại chỗ để giải phóng đường hô hấp.

Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ

Nguyên tắc này cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp oxy cho nạn nhân. Do vậy việc làm đầu tiên cần đưa nạn nhân ra khỏi nước:

- Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước ta cần khẩn trương tìm cách đưa nạn nhân nên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho nạn nhân bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu.

- Tuyệt đối Không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

- Nếu nạn nhân bất tỉnh dưới nước (chỉ xuống cứu khi người cứu biết bơi). Nếu không thì gọi người hỗ trợ hoặc dùng thuyền nếu có để ra cứu.

Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ. Tiến hành hô hấp nhân tạo, nếu nạn nhân bị ngừng tim thì tiến hành đồng thời hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực.

Những việc cần chú ý trong quá trình cấp cứu đuối nước:

- Không được chậm trễ trong cấp cứu người bị đuối nước, thay vì tìm cách gọi xe cấp cứu, tìm cho được và đầy đủ các phương tiện cấp cứu . v.v... thì phải bằng mọi cách và khả năng hiểu biết cấp cứu nạn nhân ngay

- Không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi mà chỉ cần chậm trễ 4 phút thôi là não có nguy cơ bị chết! Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài.

- Khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.

Với ngạt nước, sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn và khả năng bị di chứng não của người bị nạn.

* Để phòng tai nạn đuối nước mọi người cần lưu ý đến những việc sau đây:

Đối với trẻ lớn và người lớn:

- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.

- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.

- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.

- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.

Đối với trẻ nhỏ:

- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu, chơi bài…

- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để thùng nước, nếu có nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

- Nhà có hồ bơi, bể, ao cá cảnh nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được.

- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).

TỔ THÔNG TIN – TRUYỀN THÔNG

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG HOÀNG TÂN - THÀNH PHỐ CHÍ LINH

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Văn Cấp

Địa chỉ: UBND phường Hoàng Tân

Điện thoại: 0941631973

Email: nguyenvancap@haiduong.gov.vn

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 3
Tất cả: 32,690